Bối cảnh Mặt trận Miến Điện (1944–1945)

Kế hoạch của Đồng Minh

Khi mùa mưa gió mùa hết thúc cuối năm 1944, quân Đồng Minh chuẩn bị các cuộc tấn công quy mô lớn vào vùng Miến Điện bị Nhật Bản chiếm đóng. Đầu não của lực lượng Anh, Mĩ và Ấn Độ ở mặt trận này là Bộ Tư lệnh Đông Nam Á, đóng tại Kandy thuộc đảo Tích Lan và đứng đầu bởi Đô đốc Louis Mountbatten. Bộ Tư lệnh đặt ra ba kế hoạch chính có từ tháng 7 năm 1944.[6]

  • Kế hoạch "X": Kế hoạch chính được tiến hành bởi Bộ Tư lệnh Tác chiến Khu vực phía Bắc(viết tắt: NCAC) do Hoa Kì dẫn đầu và được Tập đoàn quân 14 của Anh hỗ trợ. Lực lượng này xuất phát từ MogaungMyitkyina đã được chiếm lại từ giữa năm 1944 và hợp binh với Quốc dân Cách mệnh quân của Trung Hoa Dân quốc tấn công từ tỉnh Vân Nam do tướng Vệ Lập Hoàng chỉ huy tiến về Lashio. Mục tiêu của kế hoạch X là hoàn thành Đường Ledo nối Assam của Ấn Độ thuộc Anh với Vân Nam, bổ sung cho lực lượng vận tải Cái Bướu cung cấp phương tiện chiến tranh cho Trung Quốc.
  • Kế hoạch "Y": Do Tập đoàn quân 14 của Anh tiến hành, vượt sông Chindwin tiến vào miền Trung Miến Điện và đánh chiếm Mandalay và hợp binh với quân Vân Nam Trung Hoa và NCAC tại Maymyo, khoảng 32 km phía đông Mandalay.
  • Kế hoạch "Z": Trong kế hoạch này, về sau được tiến hành dưới tên Chiến dịch Dracula, mục tiêu chính là đổ bộ và tấn công bằng không quân vào Rangoon, thủ đô và cảng chính của Miến Điện. Nếu thành công, Đồng Minh sẽ cô lập được quân Nhật ở Miến Điện khỏi đường tiếp vận và buộc Nhật phải rút lui khỏi Miến Điện.

Trong khi các kế hoạch trên được nghiên cứu, Đồng Minh thấy rằng nguồn khí tài cho kế hoạch Z (tàu đổ bộ, tàu sân bay,v.v) chưa thể cung cấp cho đến khi cuộc chiến ở Châu Âu kết thúc. Mountbatten tuy thế dự tính tiến hành kế hoạch Y và Z đồng thời nhưng kế hoạch Y được chấp nhận trước và được đổi tên thành Chiến dịch Capital. Trong đó, Tập đoàn quân 14 (được hỗ trợ bởi Liên đoàn bay 221 của Không lực Hoàng gia) có thể mở cuộc tấn công chính vào Miền Trung Miến Điện, nơi mà địa hình và hệ thống đường sá ủng hộ lực lượng cơ giới và thiết giáp Anh quốc. Cuộc tấn công phụ được tiến hành bởi NCAC và quân Vân Nam (được hỗ trợ bởi Không lực 10 và 14 của Hoa Kỳ) của với mục tiêu là Lashio, trong khi Quân đoàn XV (hỗ trợ bởi Liên đoàn bay 224) chiếm tỉnh ven biển Arakan (nay là bang Rakhine) và chiếm đóng cùng với xây dựng các sân bay cho Tập đoàn quân 14.[7]

Kế hoạch của Nhật Bản

Bản đồ địa hình Miến Điện

Với hậu quả của những sự thất bại trong năm trước, Nhật Bản thực hiện những sự thay đổi lớn trong hệ thống chỉ huy ở Miến Điện. Sự thay đổi quan trọng nhất là việc cử Trung tướng Heitarō Kimura chỉ huy Phương diện quân Miến Điện, thay cho tướng Masakazu Kawabe. Kimura vốn là một chuyên gia hậu cần từng giữ chức Thứ trưởng bộ Chiến tranh, và người Nhật hy vọng rằng ông sẽ sử dụng nguồn tài nguyên thiên nhiên và cơ sở công nghiệp của Miến Điện để làm cho lực lượng của ông có thể tự cung tự cấp. Tuy thế, Đạo quân Phương Nam, vốn nắm quyền chỉ huy tuyệt đối trên lực lượng của Nhật ở Đông Nam Á và một phần Thái Bình Dương, chỉ huy bởi Nguyên soái Hisaichi Terauchi, đưa thêm 60000 quân để củng cố lực lượng của Kimura, với thiết bị cho 3 sư đoàn bộ binh cùng 500 xe tải và 2000 đàn súc vật thông qua đường tiếp vận. Các cuộc tập kích bằng không quân của Đồng Minh phá vỡ tuyến vận tải của Nhật Bản qua Đường sắt Miến ĐiệnCảng Rangoon, do đó chỉ có 30000 quân tiếp viện đến được nước này. Cùng với áp lực từ chiến trường Thái Bình Dương, Terauchi còn rút bớt một vài đơn vị khỏi Miến Điện giữa chiến dịch.[8]

Mặc dù Đồng Minh biết rằng người Nhật sẽ chiến đấu càng xa càng tốt trên sông Chindwin, Kimura nhận ra phần lớn các đơn vị Nhật Bản đã suy yếu sau khi hứng chịu tổn thất nặng nề trong các trận đánh năm ngoái và thiếu thốn phương tiện. Để tránh gặp bất lợi khi đánh trên sông Chindwin hay đồng bằng Shwebo giữa sông Chindwin và sông Irrawaddy, nơi mà địa hình chỉ có tương đối ít chướng ngại cho thiết giáp và cơ giới của Anh quốc, Kimura cho triệt thoái Tập đoàn quân 15 về phía sau sông Irrawaddy để họ có thể phòng ngự trước Tập đoàn quân 14 của Anh. Tập đoàn quân 28 tiếp tục phòng thủ Arakan và và hạ lưu sông Irrawaddy, trong khi Tập đoàn quân 33 cố gắng ngăn chặn sự hoàn thành con đường bộ nối Trung Hoa và Ấn Độ bằng cách phòng thủ thành phố Bhamo và Lashio và tiến hành chiến tranh du kích.[9]

Miến Điện

Một nhân tố trở nên đáng chú ý trong lúc chiến dịch diễn ra là sự thay đổi thái độ của người dân Miến Điện. Trong cuộc xâm chiếm Miến Điện năm 1942, nhiều người trong dân tộc đa số là Miến chủ động hỗ trợ quân đội Nhật Bản. Mặc dù người Nhật đã lập ra chính phủ độc lập trên danh nghĩa của Miến Điện dưới quyền Ba Maw (Quốc gia Miến Điện) và Quân đội quốc gia Miến Điện dưới quyền Aung San, họ vẫn là thế lực cai trị trên thực tế ở đây. Sự thống trị hà khắc và những thiếu thốn trong chiến tranh làm cho người Miến quay lại chống đối Nhật Bản.

Aung San theo đuổi một liên minh với Thakin Soe, người lãnh đạo một tổ chức nổi dậy theo Chủ nghĩa Cộng sản ở phía Nam Arakan từ năm 1943. Họ thành lập Tổ chức chống Phát xít và dự định chống lại Nhật Bản ở vài mức độ nhưng Thakin Soe ngăn Aung San khỏi sự nổi loạn không hạn chế cho đến khi Đồng Minh có chỗ đứng vững chắc trở lại tại Miến Điện. Đầu năm 1945, Aung San nhận sự hỗ trợ của tổ chức liên lạc của Đồng Minh là Lực lượng 136, tổ chức từng hỗ trợ kháng chiến của người thiểu số Karen. Mặc dù có vài tranh cãi trong lực lượng Đồng minh, Mountbatten cuối cùng quyết định là Aung San nên được hỗ trợ. Lực lượng 136 giờ đây sẽ động viên toàn bộ Quân đội Quốc gia Miến Điện đi theo Đồng Minh.[10]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Mặt trận Miến Điện (1944–1945) http://www.aljazeera.com/programmes/aljazeeracorre... http://www.combinedops.com/No%205%20Commando.htm http://www.history.army.mil/brochures/centburma/ce... http://www.history.army.mil/brochures/indiaburma/i... //www.jstor.org/stable/44142873 http://cdm16635.contentdm.oclc.org/cdm/ref/collect... //www.worldcat.org/oclc/222241837 //www.worldcat.org/oclc/30476399 //www.worldcat.org/oclc/835432028 //www.worldcat.org/oclc/922224518